Toạ đàm trực tuyến: “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa-thuận lợi và thách thức”

Toạ đàm trực tuyến: “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa-thuận lợi và thách thức”

Các khách mời tham dự Toạ đàm: “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa-thuận lợi và thách thức". Ảnh: Sơn Tùng
Các khách mời tham dự Toạ đàm: “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa-thuận lợi và thách thức”. Ảnh: Sơn Tùng

Ngày 5.3, Báo Lao Động đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến: “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa – thuận lợi và thách thức”. Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên laodong.vn.

Buổi toạ đàm có sự tham dự của các khách mời:

– TS Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

– TS Đỗ Thị Thanh Hà – Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng
Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng

– PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT.

– PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

– GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 và một số Tổng chủ biên, Chủ biên SGK các môn học, hoạt động giáo dục thuộc bộ sách “Cánh Diều”…

–  Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).

– Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh – Giáo viên trường Tiểu học Vietkids

– Đại diện một số cơ quan báo chí.

 

Xóa độc quyền nhìn từ sự kiện bộ SGK xã hội hóa đầu tiên ra đời

MC: Trong 5 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, phục vụ cho lớp 1 từ năm học tới, “Cánh Diều” được nhắc đến là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên của Việt Nam kể từ sau năm 1975. Thưa Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái, ông có hài lòng về bộ SGK Cánh Diều không? Làm bộ sách này, các ông có những thuận lợi và gặp những khó khăn gì?

Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái – Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC): Bộ sách “Cánh diều” là sự hợp tác của NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và XNB ĐH Sư phạm TPHCM, Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam. Ở đây đã xoá bỏ được cơ chế độc quyền, có sự cạnh tranh nhiều nhóm tác giả, nhiều trí tuệ tham gia bộ sách. Cạnh tranh tạo ra sản phẩm tốt hơn, có nhiều lựa chọn hơn cho giáo viên, người học, như vậy sẽ có bộ sách giáo khoa tốt cho học sinh, giáo viên.

Bộ Cánh diều có trên 200 tác giả, 42/56 tác giả đã tham gia chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đây là thuận lợi cơ bản. Thuận lợi nữa là Nhà nước không tốn tiền.

 

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái. Ảnh: Sơn Tùng

Bên cạnh đó, cũng có nhiều khó khăn, như việc thực hiện kéo dài và nhiều thay đổi; đành rằng làm giáo dục phải từ từ, chu đáo nhưng cũng không nên kéo quá dài.

MC: Xin cảm ơn những chia sẻ của đơn vị làm sách giáo khoa. Thưa bà Ngô Thị Minh, năm 2014, trước làn sóng dư luận phản ứng về việc kéo dài tình trạng độc quyền SGK, Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. Thời điểm đó, vì sao Quốc hội chú trương thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông và mong muốn của Quốc hội là gì khi đưa ra chủ trương này?

Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Khi thông qua Nghị quyết số 88 năm 2014, chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo của Đảng. Có một thực tế, rất lâu rồi, chúng ta luôn coi sách giáo khoa là pháp lệnh. Nếu coi sách giáo khoa là pháp lệnh thì việc đổi mới sách giáo khoa phải khai thác trí tuệ của các nhà khoa học.

 
 Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Trong một giai đoạn dài, giáo dục của chúng ta vẫn nặng về kiến thức. Giờ chúng ta phải chuyển qua phát triển toàn diện năng lực phẩm chất của người học để phát triển hết tiềm năng của học sinh. Mục tiêu trong Nghị quyết 88 rất rõ, chúng ta cần đảm bảo quyền lợi của học sinh để học sinh phát triển toàn diện nhất. Hiện chúng ta đã có chương trình tổng thể; chương trình chi tiết chuẩn chỉ rồi thì sách giáo khoa sẽ biên soạn bám theo chương trình đó, sao cho thực hiện xã hội hóa hiệu quả nhất.

MC: Còn ông Ngô Trí Long, ông có ý kiến ra sao khi sau này con em chúng ta sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để chọn lựa từ chủ trương xã hội biên soạn sách giáo khoa?

PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Xu hướng chung của thế giới là xã hội hoá, đây là chủ trương đúng, tránh độc quyền. Trong quá trình biên soạn SGK, toàn xã hội  rất quan tâm. Luật chính sách không thiếu nhưng vấn đề là việc tổ chức thực thi như thế nào.

 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. 

Chủ trương đúng, nhưng từ chủ trương đến thực thi còn rất nhiều vấn đề. Kết quả cuối cùng phải tổ chức thực hiện làm sao, giám sát thế nào để chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thực sự đi vào cuộc sống. Việc lựa chọn sách phải đảm bảo công tâm, khách quan. 

MC: Cảm ơn những chia sẻ của ông Ngô Trí Long.

Thưa các khách mời, việc các đơn vị tư nhân bắt tay vào làm sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách Nhà nước và làm ra những bộ sách chất lượng sẽ có ý nghĩa ra sao? Trước tiên, chúng tôi muốn lắng nghe những chia sẻ của bà Đỗ Thanh Hà – Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bà Đỗ Thị Thanh Hà – Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương: Với tư cách là đại diện cho phụ huynh học sinh sử dụng sách, tôi thấy chủ trương sử dụng nhiều SGK là đúng. Từ khi Nghị quyết 29 đưa ra, chúng tôi mong chờ chương trình SGK mới đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của dư luận. Về mặt lợi: Phía Nhà nước tiết kiệm ngân sách lớn trong chi cho xây dựng sách. Các đơn vị tham gia vào thì tự bỏ vốn nên tiết kiệm số tiền lớn cho ngân sách.

 
Bà Đỗ Thị Thanh Hà – Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Sơn Tùng

Thêm vào đó, chúng ta huy động các nguồn lực, huy động hàng trăm tác giả, huy động trí tuệ nhiều nhà giáo trong xã hội. Năm 2014, dư luận luôn bức xúc vì thiếu SGK, hàng năm gần khai giảng là có hiện tượng “cháy” SGK. Việc xã hội hoá giúp hạn chế độc quyền và tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh có cơ hội tiếp cận nguồn sách đa dạng. Việc tiếp cận loại sách đa dạng phù hợp với phương pháp giáo dục khác nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, dư luận còn có ý kiến việc lựa chọn sách như thế nào. Có minh bạch trong thông tin sử dụng sách hay không?

MC: Trăn trở của bà Đỗ Thị Thanh Hà cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Còn bà Ngô Thị Minh, bà có quan điểm ra sao về vấn đề này?

Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Có thể nói tôi cũng như Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Quốc hội có nhiều kỳ vọng về đợt đổi mới sách giáo khoa THPT lần này. Chúng tôi đang xây dựng chương trình giám sát rất sâu việc thực hiện Nghị quyết 88.

Ngày 19-20.3 này, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ GDĐT và các bộ ngành. Chúng ta đã giám sát thường xuyên, trong từng bước đi, từng cách làm của Bộ GDĐT cũng như sự phối hợp cùng các bộ ngành của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, chủ trương là một chuyện, việc tổ chức thực hiện như thế nào là rất quan trọng.

Chúng ta mong muốn chuyển biến căn bản toàn diện chất lượng giáo dục phổ thông theo đúng mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 88 thì phải có những giải pháp triển khai rất bài bản, xã hội hóa sách giáo khoa chỉ là một mắt xích nhưng mắt xích này rất quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết 88.

 
Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Sơn Tùng

Trước khi có Nghị quyết 88, Quốc hội đã có Nghị quyết số 40 của Quốc hội khóa 10 để đổi mới chương trình, chúng ta phải hướng tới học sinh. Học sinh thẩm thấu chương trình như thế nào, giáo viên truyền tải, hội đồng thẩm định ra sao. Chúng ta làm chậm, nhưng làm bước nào chắc bước đó. Chúng tôi không hề muốn chậm, nhưng các mắt xích không đảm bảo nên khiến chúng ta phải dừng lại.

Đến lúc này, chúng ta đã có 5 cuốn sách được Bộ GDĐT thông qua. Nhưng hội đồng thẩm định như thế nào? Chất lượng ra sao? Qua giám sát, chúng tôi thấy rằng Bộ GDĐT rất coi trọng về chất lượng.

5 bộ sách này, chúng tôi đang xem xét, giám sát. Rõ ràng việc lựa chọn, thẩm quyền như thế nào, chúng tôi sẽ có những mổ xẻ. Khi chúng ta vừa thông qua Luật Giáo dục; trong Nghị quyết 88, giao thẩm quyền chọn sách giáo khoa cho cơ sở. Nhưng cơ sở cũng phải thành lập hội đồng chứ không phải cá nhân ai. Không phải cấp quyền cho UBND cấp tỉnh thì UBND tỉnh chỉ quyết định dựa trên cảm tính của mình. Quy trình chọn phải tôn trọng ý kiến của cơ sở. Trực tiếp những người dạy, cơ sở giáo dục họ lựa chọn như thế nào, nghiên cứu từ đâu thì hội đồng này phải nghiên cứu xem xét thật thấu đáo.

Trong Luật Giáo dục 2019 nói rõ tính ổn định, ta lựa chọn phải quan tâm đến tính ổn định. Tháng 7.2020, khi Luật Giáo dục  sửa đổi có hiệu lực, vai trò của UBND và hội đồng đó chúng ta cũng phải xem xét dựa trên 3 tháng trước đó Nghị quyết 88 đã giao thẩm quyền này cho cơ sở. Những năm sau, chúng ta cũng phải tôn trọng những ý kiến đề xuất từ các cơ sở.

MC: Vâng, cảm ơn những chia sẻ của bà Ngô Thị Minh. Một vấn đề được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm khi thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, là giá sách giáo khoa sẽ tăng. Tuy nhiên mới đây, Bộ GDĐT có văn bản số 115 gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, kiến nghị giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá của bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020. Điều này được hiểu là sách giáo khoa mới có hình thức bắt mắt, giấy in đẹp, chất lượng cũng được các thành viên trong Hội đồng thẩm định đánh giá cao, nay được yêu cầu bán với mức giá như sách giáo khoa hiện hành. Chúng tôi muốn được lắng nghe ý kiến của đại diện đơn vị tổ chức biên soạn, xuất bản về vấn đề này?

Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái – Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC): Bộ sách giáo khoa là văn hoá đặc biệt, nhưng cũng là hàng hoá, cần tuân theo luật kinh tế thị trường. SGK mới đẹp hơn, bắt mắt hơn, khổ sách mới lớn hơn. Bộ SGK mới có giấy dày, màu rất đẹp, nhiều trang hơn sách cũ… Hiện còn có SGK điện tử nữa. Từ khi đưa sách điện tử lên mạng, đã có 405.000 lượt truy cập. Trẻ em rất thích sách điện tử.

Tôi hiểu SGK không được lãi nhiều vì tác động đến 20 triệu học sinh, nhưng cần bảo toàn được vốn, vì lỗ thì làm sao làm tiếp được?

Có lãnh đạo hỏi tôi, sao anh không làm như cũ, mẫu giấy cũ cho chi phí hạ xuống? Tôi cho rằng thời điểm Việt Nam bắt đầu hội nhập thì vấn đề là làm sao để bằng các nước ASEAN, và  hội nhập thế giới. Chúng ta cần tiến lên chứ không thể lùi lại.

 
Ông Ngô Trần Ái chia sẻ băn khoăn về giá SGK mới.

Vì vậy nếu quy định mức giá SGK mới không tăng hơn so với SGK hiện hành, thì người làm SGK mới chắc chắn lỗ. Nếu lỗ thì chúng tôi không thể làm được. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ GDĐT. Hiện tại trễ quá rồi mà đến giờ vẫn chưa có giá sách. Đây là cái chậm trễ không đáng có.

MC: Chúng ta vừa nghe những trăn trở của đại diện đơn vị làm sách giáo khoa mới. Thưa ông Ngô Trí Long, là một chuyên gia kinh tế, ông có quan điểm ra sao nếu như sách giáo khoa mới có hình thức bắt mắt, giấy in đẹp nhưng bị yêu cầu bán với mức giá như sách giáo khoa hiện hành?

PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Thực tế thương trường thì bên bán luôn muốn bán giá cao, người mua thì muốn mua giá thấp. Cần “liệu cơm gắp mắm”, không thể so cái cũ với cái mới, tuỳ khả năng thanh toán của người tiêu dùng.

Hiện nay, xã hội có sự phân hoá, có gia đình mua 1 bộ sách 1,2 triệu đồng là chuyện bình thường nhưng có gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vậy cơ sở định giá như thế nào, đối với trẻ em, SGK có bảo trợ hay không? Hỗ trợ thì lấy từ nguồn nào?

Nguyên tắc định giá SGK không thể so cái này với cái cũ, nguyên tắc định giá trong cơ chế thị trường là gì? Nếu nó là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải kiểm soát chi phí cụ thể, cơ quan kiểm soát phải thật khách quan để Nhà nước, doanh nghiệp, người thụ hưởng hài hoà. Còn nếu rất nhiều NXB cùng một ấn phẩm thì Nhà nước chỉ giám sát xem các bên có liên kết với nhau để nâng giá hay không, còn tất cả do thị trường quyết định.

MC: Vâng, chúng tôi muốn nghe thêm ý kiến của bà Ngô Thị Minh và bà Đỗ Thanh Hà về việc tính toán giá sách giáo khoa như thế nào để các đơn vị tư nhân tham gia làm sách có thể “sống được”?

Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Khi xoá bỏ độc quyền SGK là bước tiến rồi, nhưng việc tổ chức thực hiện như thế nào?

Ngày 15.2 phải công bố giá cho các địa phương chỉ đạo để lựa chọn, nhưng đến giờ còn nhiều việc phải làm.

Theo tôi, việc tính giá SGK phải hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người cung cấp SGK và nhu cầu của người sử dụng. Để sự cạnh tranh lành mạnh thì trách nhiệm của Nhà nước như thế nào? Với nhóm đối tượng được Nhà nước bao cấp thì Nhà nước thể hiện như thế nào? Ví dụ không thu tiền, miễn phí, hoặc hỗ trợ các trường mua sách rồi cho học sinh thuê, rồi quay vòng cho lứa học sinh sau.

 

Bà Đỗ Thị Thanh Hà – Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương: Tôi rất quan tâm bộ sách giáo khoa mới để xem cách dạy con như thế nào. Ví dụ như bộ sách “Cánh diều” có cả phiên bản điện tử phụ huynh và học sinh có thể vào xem.

Về giá cả sách giáo khoa, chúng ta muốn một bộ sách có trí tuệ tốt nhất, chất lượng giấy tốt nhất… thì chúng ta phải nâng cao chất lượng. Chúng ta phải đầu tư nguồn lực rất lớn để xây dựng bộ sách đảm bảo chất lượng nhưng lại yêu cầu giá rẻ.

Tôi nghĩ nên tuân theo quy luật thị trường, trong xã hội có rất nhiều gia đình có điều kiện hoặc không có điều kiện. Chúng ta đã xuất bản ra 5 bộ sách giáo khoa để cho mọi người lựa chọn. Tôi không đồng ý ý kiến nếu gia đình nào có điều kiện thì sử dụng bản in 4 màu, không có điều kiện sẽ sử dụng bản in ít màu hơn. Nếu như vậy vô hình trung xuất hiện sự không công bằng trong một ngôi trường. Chúng ta tạo ra sự phân biệt đối xử.

Hiện nay, các trường học cũng phân loại đối tượng, ví dụ các gia đình có điều kiện sẽ cho con theo học trường quốc tế, tư thục. Những gia đình không có điều kiện bằng thì cho con học trường công lập. Tính đến những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ, chứ không thể cào bằng giữa khu vực thành thị và nông thôn. Có lẽ nên có đề xuất giải pháp làm sao có những hỗ trợ đối với các em ở những vùng khó khăn. Vì các em có quyền được sử dụng bộ SGK tốt nhất. 

PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Hiện nay với công nghệ 4.0, các cháu có thể dùng được sách điện tử. Quan điểm của tôi là định giá sách như thế nào cho hợp lý. Hình thức sở hữu là bán hoặc có những vùng mua rồi cho thuê. Điều mắc mớ là thu nhập của người dân và nhà xuất bản.

Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tôi lại cho rằng, trong nhà trường, chúng ta không được quyền phân biệt đối xử, nhưng nếu đặt mình là doanh nghiệp, người cung cấp, thì cần biết cách cung cấp như thế nào.

Tôi nhấn mạnh là cần làm rõ trách nhiệm Nhà nước trong việc định giá sách giáo khoa. Trong một trường không thể phân biệt lớp này lớpkia, em này em kia, nhà có điều kiện thì dùng sách in màu, nếu không thì dùng sách in đen trắng. Chúng ta không được phân biệt đối xử với trẻ em như thế.

Nếu Nhà nước định hướng giá SGK mới không cao hơn SGK hiện hành thì chúng ta có thể chia theo từng vùng. Nếu vùng này, địa phương này chọn được bộ sách ưng ý, mà bộ đó có giá cao hơn so với điều kiện của phụ huynh thì địa phương, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ, bù thêm tiền, mua đồng loạt cho các em, để học sinh trong vùng có sách chất lượng để học.

MC: Vâng, vấn đề SGK đã nhận nhiều ý kiến tranh luận của các khách mời. Chúng ta sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này trogn phần II của tọa đàm.

Thưa quý vị và các bạn, một trong những điểm quan trọng thể hiện trong Nghị quyết số 88/2014/QH 13 là khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, trên cơ sở một chương trình thống nhất. Việc thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” sẽ tạo ra cơ chế mới thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia biên soạn sách. Tuy nhiên, như các khách mời đã phân tích, việc tính toán giá sách giáo khoa mới cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và phù hợp với điều kiện của phần đông phụ huynh. Đặc biệt rất cần sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách của Nhà nước, để các tổ chức, cá nhân có thể “sống được” để tiếp tục đem trí tuệ của mình viết sách giáo khoa. Phần 1 của tọa đàm xin được kết thúc tại đây, chúng ta tiếp tục chuyển sang phần 2 với chủ đề: Vì mục tiêu chọn bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.

Vì mục tiêu chọn bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh

MC: Thưa GS Nguyễn Minh Thuyết, được biết ông vốn là một tác giả chuyên viết SGK cho NXB Giáo dục VN. Điều gì đã đưa ông đến với bộ SGK xã hội hóa mà không phải là một bộ SGK “của Bộ”? Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đem đến những thuận lợi và khó khăn gì cho tác giả viết sách?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Bộ sách Cánh Diều mà chúng tôi chuẩn bị là chuẩn bị cho Bộ GDĐT để chủ động triển khai chương trình mới. Tôi có mời các chuyên gia ở ban soạn thảo các chương trình, có đến 42 thành viên của ban soạn thảo trên tổng số 56 thành viên ban soạn thảo chương trình tham gia bộ SGK này, trong đó có tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có tổng chủ biên nhiều môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất…

 
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. 

Thuận lợi khi làm sách là được chọn những tác giả giỏi, tâm đầu ý hợp chứ không chiều theo ý của các cơ quan khác nhau để đưa vào. Khó khăn nhất là những chủ trương không rõ ràng nhất quán từ đầu của các nhà quản lý. Nghị quyết 29 Trung ương, hay Nghị quyết 88 của Quốc hội đều nói thực hiện xã hội hoá SGK, có nhiều SGK theo các môn học… trong cả 2 nghị quyết và các quy định của Nhà nước chưa hề nói Nhà nước sẽ định giá.

Nếu từ đầu nói xã hội hoá nhưng Nhà nước định giá thì sẽ không ai làm. NXB lỗ thì không ai in sách, tác phẩm của chúng tôi không đến được với học sinh, Nghị quyết của Đảng về xã hội hoá SGK không thực hiện được. Trong khi chúng tôi đang viết sách thì đại biểu Quốc hội bàn là chỉ có một bộ sách nên chúng tôi chững lại, chậm lại vì những động thái như vậy.

MC: Cảm ơn những tâm huyết của GS Thuyết và các tác giả tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa “Cánh Diều”. Để kịp triển khai chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021, chúng ta sẽ còn trải qua một số giai đoạn như các nhà xuất bản giới thiệu sách giáo khoa, các trường tiểu học tổ chức nghiên cứu, lựa chọn sách. Những công việc này đã được đơn vị biên soạn bộ sách “Cánh Diều” chuẩn bị và thực hiện ra sao, thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, chúng ta đã có 5 bộ sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản khác nhau. Đây là kết quả của sự khuyến khích của Bộ GDĐT. Công việc tiếp theo chúng ta cần làm là các nhà xuất bản phải cử người đi các địa phương để giới thiệu sách giáo khoa. Việc này theo tôi biết các nhà xuất bản đều rất tích cực.

Tuy nhiên vừa rồi chúng ta cũng gặp khó khăn vì dịch COVID-19 đã làm chậm lại việc này. Đây không phải là SGK của Nhà nước, một bộ duy nhất như cũ, cho nên các địa phương có mời chúng tôi đến giới thiệu hay không là tùy họ. Có những địa phương không muốn mời vì đã ngả về một nhà xuất bản nào đó rồi. Hiện nay, công việc chọn sách giáo khoa đang diễn ra, phần lớn các địa phương làm nghiêm túc.

MC: Vâng, cảm ơn những chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết. Còn với cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh, việc lựa chọn sách giáo khoa ở cơ sở hiện nay được thực hiện như thế nào, giáo viên có gặp khó khăn gì không trong việc tiếp cận các bộ sách giáo khoa không? Cô có nhận xét gì về những ưu điểm và hạn chế của SGK mới so với sách hiện hành?

Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh – giáo viên Trường Tiểu học Vietkids: Thứ nhất, việc chọn sách tại các cơ sở hiện nay, Vietkids rất tích cực lựa chọn đánh giá cả 5 bộ sách mà Bộ phê duyệt. Thứ hai, cả 5 bộ sách đều có sự lựa chọn đánh giá riêng. Việc tiếp cận sách với giáo viên không quá khó khăn nhưng thử thách là làm sao để học sinh tiếp cận dễ nhất.

 
Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh – giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học Vietkids. Ảnh: Sơn Tùng

Tôi đánh giá bộ sách “Cánh diều” có ưu điểm là bắt mắt, hấp dẫn, nhìn sách đã muốn học luôn. Bài tập đọc có tính giá trị cao, học sinh học hào hứng, giáo viên dễ dạy. Sách có thể giúp giáo viên tiếp cận dễ dàng, nhìn là biết sẽ cần dạy ra sao. Giáo viên chúng tôi muốn tiếp tục dạy những cuốn sách hay như vậy trong các năm tiếp theo.

MC: Vâng, trong phần 1 của chương trình, các khách mời đã có nhiều tranh luận về giá SGK. Trở lại vấn đề này, cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh có ý quan điểm ra sao?

Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh – giáo viên Trường Tiểu học Vietkids: Giáo viên hay phụ huynh học sinh đều mong con em được học sách tốt, đẹp nhất, chất lượng giấy đảm bảo. Với những điều đó, nếu giá tăng hơn một chút thì phụ huynh cũng có thể sẵn sàng. Việc sách chất lượng tốt cũng có thể giữ được cho những năm tiếp theo.

MC: Vâng, cảm ơn cô giáo. Trở lại vấn đề chọn sách giáo khoa, hiện nay có nhiều băn khoăn khi Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định việc lựa chọn sách giáo khoa là thẩm quyền của mỗi nhà trường. Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7.2020 lại quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn”. Việc hướng dẫn chọn sách giáo khoa theo luật liệu có gây xáo trộn trong việc chọn sách không, thưa các khách mời?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Cách đây 40 năm, tôi làm ở Bộ GDĐT thì phụ trách phần biên soạn và in SGK. Tôi phụ trách 2 nhà máy in Diên Hồng và Đông Anh. Vô cùng khó khăn. Khi ra nước ngoài, tôi thấy nhiều bộ sách rất đẹp. Lúc đó, là một người lãnh đạo ngành, chúng tôi vô cùng băn khoăn.

Hiện giờ tôi vui mừng vì nhà nước đã dùng con đường xã hội hoá, chúng ta có 5 bộ sách, phần nào đáp ứng mơ ước của tôi trước đây. Bộ sách Cánh Diều đáp ứng được yêu cầu, tốt, đáp ứng như yêu cầu Singapore…

 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT. 

Theo Nghị quyết 88, thẩm quyền xem xét và quyết định phải là UBND quyết định chọn lựa. Vậy quyết định trên cơ sở nào? Trên cơ sở trường lựa, huyện tập hợp quyết định lựa chọn lại, đặt bao nhiêu bộ sách này, bao nhiêu bộ sách kia? Tôi thấy không mâu thuẫn gì.

Bộ GDĐT hướng dẫn quy trình làm như thế nào? Người lựa chọn chính là giáo viên. Làm thế nào để giáo viên lựa chọn được? 5 bộ sách đưa lên mạng, họ tải xuống rồi xem bộ sách nào phù hợp và hay.

Người chủ biên chương trình hiểu được chương trình thì đó là cơ sở chọn lựa tốt nhất. Giữa Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục mới không vênh nhau. Ngoài ra cần lựa chọn sách phù hợp học sinh, vùng miền…

Tôi cũng cho rằng không nên áp định một giá, bộ sách mới không được quá giá sách ra đời cách đây mấy chục năm. Trong cơ chế thị trường, tiền nào của đấy, của tốt thì tiền cao. Vùng nào không có điều kiện thì nhà nước mua sách cho thư viện rồi cho học sinh mượn, thuê, chứ không nên ép một mức giá, có thể khiến doanh nghiệp chịu lỗ.

MC: Vâng, cảm ơn những chia sẻ của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ. Dù trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc về lãnh đạo trường và hay lãnh đạo địa phương, thì điều phụ huynh quan tâm nhất là con em họ phải được học bộ sách giáo khoa tốt nhất. Theo ông, cách nào để tránh việc “vận động hành lang” trong lựa chọn sách sách giáo khoa?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: 5 bộ sách đã có hội đồng của bộ quyết định nội dung, hình thức và được quyền vào tất cả các trường.

Nghị quyết 88 đã nói, quyền lựa chọn, thẩm định cuốn sách đó là của giáo viên. Giáo viên lựa chọn, trong nhà trường sẽ có một hội đồng để biết họ lựa chọn bộ nào, quyển nào, sau đó đưa lên huyện, tỉnh. Chẳng qua các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh tập hợp ý kiến của cơ sở.

Theo ý kiến của tôi, chẳng ai “lobby” được cả quá trình như thế nên rất minh bạch. Bây giờ đã đến lúc chúng ta bàn cơ chế chính sách theo cơ chế thị trường để những cuốn sách ra đời có đúng giá trị của nó.

MC: Chúng tôi muốn nghe thêm quan điểm của đại diện giáo viên lớp 1, xin mời cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh giáo viên Trường Tiểu học Vietkids

Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh: Chúng tôi luôn đặt tiêu chí phù hợp lên hàng đầu, phù hợp với học sinh, với địa phương, phù hợp với tiêu chí mà cơ sở mà mình giảng dạy. Hơn cả đó là quyền lợi của học sinh, chúng tôi muốn tìm bộ sách mà khi học sinh học xong thì không phải học sinh biết được những gì mà học sinh làm được những gì.

MC: Cảm ơn những kiến nghị của các khách mời. Thưa GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, được hội đồng thẩm định và đội ngũ giáo viên đánh giá cao, đội ngũ biên soạn sách giáo khoa “Cánh Diều” có tự tin vào khả năng cạnh tranh trong quá trình lựa chọn sách tới đây?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Với tất cả sự khiêm tốn của người làm giáo dục, khoa học và chính trị, chúng tôi tự tin vào chất lượng bộ sách của mình vì bộ sách này tập hợp những người am hiểu nhất về chương trình, am hiểu về giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học…biên soạn. Tôi rất tin tưởng.

Cá nhân tôi có 40 năm nghiên cứu dạy học tiếng Việt ở tiểu học. Tôi có may mắn viết sách giáo khoa từ lớp 1 đến đại học. Viết sách giáo khoa phổ thông thì tiểu học khó nhất, lớp 1 là khó nhất. Chúng tôi làm hết sức cẩn thận, được nhiều sự góp ý.

 
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Vừa qua, Bộ thành lập hội đồng để thẩm định nội dung, hình thức SGK, nhưng chưa thẩm định giá. Trước đây, chúng tôi có hội đồng quyết định giá. Tôi mong Bộ GDĐT thành lập Hội đồng thẩm định, trên tinh thần “tiền nào của đấy”. Thị trường sẽ lựa chọn. Không thể nói bộ sách này không được quá giá của bộ sách đã phát hành cách đây nhiều năm. UBND tỉnh theo quy định lập kế hoạch dựa trên quyết định của nhà trường.

MC: Vâng, những băn khoăn của đội ngũ tác giả sách giáo khoa cũng là băn khoăn của không ít người về việc thực sự có thị trường sách giáo khoa lành mạnh hay không? Khi thực hiện một Chương trình nhiều SGK thì cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh. Khi không có cạnh tranh, sách giáo khoa khó phát triển và học sinh chính là đối tượng chịu thiệt thòi, đơn vị tư nhân cũng không còn động lực để các chung tay làm sách. Theo bà Ngô Thị Minh, các cơ quan chức năng cần làm gì để tạo cơ chế minh bạch trong việc lựa chọn sách giáo khoa?

Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Khi có một bộ sách giáo khoa thì xét về giá cả để thể hiện rõ trách nhiệm nhà nước, không chỉ với học sinh nghèo, mà còn các đối tượng có hoàn cảnh khác nữa. Nếu không, chúng ta xã hội hóa mà những người có tâm huyết, am hiểu về giáo dục và có trách nhiệm với Bộ GDĐT, với đất nước sẽ không thể tiếp tục làm sách. Tôi cho rằng, không nên định giá SGK một cách cứng quá, sẽ không khích lệ tinh thần.

Ngoài ra, để có những nhận thức đồng bộ, phải có cả quá trình, cơ chế minh bạch là điều hết sức cần thiết. Việc giao thẩm quyền, quyết định sách giáo khoa cũng là mong muốn để chúng ta xóa những tiêu cực. Chúng ta làm sao đó để UBND không quyết định theo cảm tính, không phải vì lí do nào đó chọn sách không dân chủ.

 
 Các khách mời chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, để công khai minh bạch, trước hết giáo viên cần được giới thiệu về SGK, tỉnh nào chưa tổ chức được thì rất mong sẽ tổ chức để các nhà xuất bản đến giới thiệu SGK.

Các nhà xuất bản cũng chủ động đưa lên mạng để giới thiệu, đa dạng hoá các hình thức như vậy. Thực hiện đúng Nghị quyết 88 và thông tư 01 của Bộ GDĐT, UBND tỉnh chỉ hướng dẫn tiêu chí lựa chọn sách, phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương, hai là phù hợp với đối tượng theo học của địa phương.

Về vấn đề giá SGK, tôi cho rằng giá cả cũng là một trong những yếu tố để phụ huynh lựa chọn nên các nhà xuất bản cũng nên tính toán kỹ lưỡng. Hiện nay nếu giá sách lên 200.000 hay 250.000 đồng/bộ cũng không phải cao so với chi tiêu của một gia đình, học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn được chính sách hỗ trợ. Trong dự án đổi mới chương trình SGK của Bộ GDĐT có 4 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới chỉ để hỗ trợ cho vùng khó.

Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh – giáo viên Trường Tiểu học Vietkids: Nếu được chọn lựa sách, giáo viên sẽ chọn những quyển đẹp nhất, học sinh hứng thú nhất, dễ dạy nhất, chất lượng sách tốt nhất. Hiện nay với quyển Tập viết lớp 1, nếu học sinh viết bút mực sẽ in hết sang trang sau do giấy quá mỏng, giáo viên phải chọn bút ít ấn mực nhất. Do đó để giáo viên lựa chọn thì giáo viên sẽ chọn những quyển sách tốt nhất đến với học sinh.

MC: Vâng cảm ơn những chia sẻ của các vị khách mời.

Thưa quý vị và các bạn, Nghị quyết 88 của Quốc hội khẳng định, đổi mới Chương trình, SGK GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục. Nghị quyết 88 khuyến khích biên soạn nhiều bộ SGK, để mang lại cơ hội cho các tác giả có trình độ, tâm huyết, các đơn vị tư nhân cùng tham gia vào việc biên soạn, tạo ra những bộ sách chất lượng.

Tuy vậy, như trăn trở của các khách mời đã đặt ra, là làm sao có một thị trường sách giáo khoa lành mạnh, phù hợp với chủ trương khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, vì mục tiêu có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.

Để làm được điều này, ngoài việc các nhà xuất bản phải cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, rất cần vai trò của cơ quan quản lý trong việc taọ ra cơ chế hợp lý, công bằng trong xuất bản sách giáo khoa. Điều này cũng nhằm tạo động lực cho các đơn vị tư nhân tiếp tục bắt tay vào biên soạn những bộ sách giáo khoa chất lượng.

Đặc biệt, như các vị khách mời đã phân tích, khi thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK thì nên để các nhà xuất bản cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, Nhà nước chỉ giám sát, chứ không nên yêu cầu giá SGK phải bằng bộ sách nọ hay sách kia.

Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách của Nhà nước, để các tổ chức, cá nhân có thể “sống được” để tiếp tục đem trí tuệ của mình viết sách giáo khoa.

Chương trình tọa đàm của báo Lao Động xin được dừng tại đây. Xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ quý giá và xin hẹn gặp lại quý vị ở chương trình tiếp theo. Nhóm PV

Theo báo Lao Động.

Chủ biên sách “Cánh Diều” mang sản phẩm vào Đà Nẵng chào hàng

6 Tháng Ba, 2020

Lựa chọn sách giáo khoa sao cho đúng?

6 Tháng Ba, 2020