PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc đánh giá học trò

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc đánh giá học trò

Ở lần đổi mới sách giáo khoa (SGK) năm nay, có nhiều môn học sẽ được cải tiến theo hướng đột phá, phá vỡ quy tắc, lối mòn tư duy đã hình thành trong rất nhiều năm qua. SGK mới hướng tới xây dựng môn học tích hợp, từ đó giúp học trò giảm tải kiến thức cũng như hiểu tường tận các vấn đề về thế giới tự nhiên và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

Ngày Nay tiếp tục trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, thành viên Ban Phát triển Đổi mới Giáo dục phổ 2018, chủ biên SGK Khoa học tự nhiên về vấn đề này.

PV: Thưa PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, vừa qua ông và các đồng nghiệp đã hoàn thành xong bộ sách giáo khoa lớp 1. Đó chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình đổi mới SGK còn rất dài phía trước. Sau lớp 1, việc làm mới SGK tiếp theo được thực hiện như thế nào?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Về sách giáo khoa lớp 1 thì có thể nói đã đạt yêu cầu. Chúng ta có nhiều thời gian chuẩn bị để “thai nghén” và kết quả là bộ sách có chất lượng tốt, cả về nội dung và hình thức.

Nhưng với sách lớp 2 thì chúng ta không có nhiều thời gian chuẩn bị, tất cả chỉ có 1 năm, sách lớp 6 cũng vậy. Tuy nhiên cái guồng máy thì đã chạy trơn tru, nhịp nhàng, các quy trình phối hợp với nhau cũng thông thạo hơn, nhưng vẫn phải khẩn trương mới kịp được.

PV: SGK cấp THCS cũng sẽ có những cải tiến được cho là rất đột phá. Ví dụ chúng ta sẽ không dạy các môn Lý, Hóa, Sinh riêng rẽ mà tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên. Khi nghe dự thảo, nhiều người phản đối cách làm này…

PGS.TS Mai Sỹ TuấnChương trình hiện hành Toán, Lý, Hóa, Sinh… có nhiều nội dung quá khó, học sinh phải ghi nhớ nhiều quá. Những cuốn sách dày đặc, chi chít chữ. Học sinh nhớ làm sao nổi. Ví dụ như tôi cũng chẳng nhớ nổi các kiến thức rất khó về giải phẫu bộ xương cơ thể người. Ngoài ra vô số những công thức hóa học, những định luật vật lý rất phức tạp khác nữa. Chúng ta cần phải cải tiến để học sinh được học những kiến thức cốt lõi để từ kiến thức đó vận dụng được vào cuộc sống chứ không phải là lý thuyết trong sách vở.

Nói đến bất cập của SGK cũ thì cũng phải hiểu cho những người làm sách ở giai đoạn trước đây. Thời điểm những năm 2.000 khi tôi viết sách giáo khoa, nguồn tư liệu rất hạn chế, mình gần như không tham khảo được mấy, bây giờ thì mọi bộ sách giáo khoa ở hầu hết các nước trên thế giới mình đều có được khá dễ dàng. Các đồng nghiệp ở khắp nơi cũng sẵn sàng giúp mình tìm hiểu, tham vấn.

Ngày trước cứ tự nghĩ, tự viết nên cũng rất khó để ra một sản phẩm phù hợp nhất. Đặc biệt là khung chương trình yêu cầu sách phải có nhiều kiến thức, thì các tác giả phải viết như vậy thôi.

Về những ý kiến phản đối, chúng tôi cũng lắng nghe cả và cũng không ngạc nhiên hay bức xúc gì về sự phản đối đó. Đổi mới SGK là công việc lớn, rất khó. Ở các nước như Pháp, Mỹ… có khi còn có biểu tình, ở mình như thế là nhẹ nhàng lắm rồi.

PV: Việc 3 môn tích hợp thành 1 có khiến các thầy cô giáo lo lắng không thưa ông? Vì nếu kiến thức giảm đi, môn học giảm đi, thì giáo viên chắc chắn sẽ giảm?

PGS.TSMai Sỹ TuấnCó người tư duy rằng, bây giờ một quyển sách chỉ có tí hóa, tí lý, tí sinh, thầy giáo lên dạy mỗi môn một tý, thì gọi là môn tích hợp. Nhưng đấy là cách hiểu chưa đúng.

Nói nôm na thế này, cả ba môn khoa học ấy nó luôn có sự đan xen, liên quan mật thiết đến nhau. Ví dụ, khi học sinh học về thấu kính thì bên cạnh dạy thấu kính trong các thiết bị quang học như máy ảnh, kính hiển vi… các em được học về thủy tinh thể và điều tiết cầu mắt ở mắt người (cơ chế vật lý được vận dụng vào trong sinh học)…

Dù là nội dung nào của chương trình môn học thì cũng phải góp phần làm nổi bật các nguyên lý của tự nhiên, do vậy Khoa học tự nhiên là một môn học có cấu trúc chặt chẽ và thống nhất, không phải là sự cộng lại cơ học của 3 môn học trước đây.

Sau các đợt tập huấn giáo viên vừa qua về chương trình môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết giáo viên đã hiểu hơn về đổi mới chương trình và SGK lần này. Nhìn chung không có sự khó khăn lớn khi tiếp cận sách giáo khoa mới.

Vậy khi phân công giáo viên thì như thế nào? Bước đầu, việc dạy của các giáo viên vẫn có thể độc lập thôi, nhưng họ sẽ có nhiều thời gian hơn để cùng học sinh đào sâu một vấn đề nào đó, giúp các em hiểu tường tận và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Giáo viên dạy môn Sinh học vẫn cứ dạy các nội dung về sinh học, các môn Vật lý, Hóa học cũng thế. Không ai tranh mất giờ dạy của nhau.

PV: Việc thay đổi này, dù có giảm kiến thức đi, nhưng giáo viên sẽ phải là người đồng hành, người tổ chức cho học sinh lĩnh hội kiến thức chứ không phải chỉ truyền tải một chiều?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn:Kinh nghiệm khi làm sách mới, đó là nếu muốn người giáo viên thực hiện được các ý tưởng của mình thì phải cố gắng kế thừa được những cái mà họ đang dạy hiện nay.

Bên cạnh đó là phải lựa chọn phương pháp đổi mới ở một mức độ vừa phải. Ví dụ lớp 1 ở các nước tiên tiến trên thế giới, người ta đã đưa cái chủ đề lập dự án vào rồi, nhưng của ta thì có đưa vào sách không, đấy, lại phải tư duy tính toán. Nếu đổi mới mà đưa những cái lạ lẫm quá thì giáo viên sẽ không dạy được.

Cái mong muốn của việc đổi mới sách giáo khoa lần này, nó hướng tới một mục tiêu rất lớn, đó là xoay chuyển được toàn bộ hoạt động của nhà giáo. Từ xưa, hầu hết giáo viên thường hoạt động theo kiểu “thừa hành”. Thừa hành là như thế này, ở Bộ có một cái kế hoạch, Bộ đưa xuống Sở, Sở lập một cái kế hoạch tiếp theo rồi đưa xuống trường, trường cứ theo kế hoạch và quyển sách giáo khoa mà thực hiện.

Nếu mà ai thừa hành tốt, cứ cái khuôn ấy mà theo thì được khen thưởng, tuyên dương. Còn ai phá lệ, đi ra khỏi kế hoạch và sách giáo khoa có khi còn bị phê bình.

Bây giờ ta sang cái giai đoạn mới theo hướng, hoạt động của nhà giáo là hoạt động sáng tạo. Thế thì sách giáo khoa anh viết thế nào để hỗ trợ cho giáo viên phải hoạt động sáng tạo. Nếu anh viết không khéo thì nó lại trở thành đề cương của bài giảng. Khi trở thành đề cương thì hỏng rồi, nó quay lại cái guồng cũ, lại vòng vo. Mà khả năng này rất dễ xảy ra, nói thực còn một bộ phận giáo viên có sức ỳ rất lớn. Còn phụ thuộc vào điều kiện dạy học của từng trường, từng vùng, bao nhiêu năm nay người ta cứ dạy thế thôi.

PV: Nhưng thưa phó giáo sư, nếu chỉ trông chờ vào SGK mới sẽ rất khó, SGK chỉ là một thành tố quan trọng nhưng không phải quyết định chất lượng dạy và học?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Đúng rồi, cái này thì nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào các cấp quản lý giáo dục, từ Bộ đến những người quản lý nhà trường. Nhiều năm qua Bộ Giáo dục cũng đã tìm nhiều cách để trao quyền nhiều hơn cho giáo viên, cho giáo viên có thể tự sắp xếp các chủ đề bài giảng, chủ động tổ chức các hoạt động học tập sao cho hiệu quả nhất.

Tất nhiên mọi giải pháp đều không thể đạt kết quả nếu người giáo viên thiếu tích cực. Giả sử nếu họ cứ giảng dạy theo cách “cơ học” cũ thì cũng khó. Nhưng tôi hy vọng với cú hích tích cực từ chương trình và sách giáo khoa mới, từ sự quan tâm của xã hội, các thày cô cũng có thêm động lực để đổi mới chính họ. Giáo dục đang thực sự chuyển mình, nếu họ không bắt kịp, không tự nâng mình lên để phù hợp với xu hướng của thời đại thì sẽ bị tụt lại phía sau.

PV: Nhiều người đã nói đến căn bệnh thành tích trong giáo dục, nói thật có những ý kiến nhìn nhận rất tiêu cực. Không ít người nói rằng, nếu căn bệnh thành tích không có “thuốc” chữa thì làm mới SGK có ích gì?

PGS.TS Mai Sỹ TuấnCái mấu chốt của bệnh thành tích thì nhiều người hay nghĩ, nó xuất phát từ truyền thống dạy và học từ thời phong kiến đến nay. Nhưng về mặt kỹ thuật thì chúng tôi hiểu rằng, chúng ta đang rất yếu ở khâu đánh giá học trò, nhất là lần này đổi mới lại đòi hỏi đánh giá năng lực của học trò. Việc so điểm số của học trò này với điểm số của học trò khác, điểm số của lớp này so với lớp khác, ấy là mầm mống của bệnh thành tích.

Phương pháp tiên tiến hiện nay là đánh giá học trò so với chính bản thân em đó và đánh giá phải thường xuyên cả quá trình học tập của học sinh. Ví dụ, tuần này trò viết còn xấu, tuần sau viết đỡ xấu hơn, tuần sau nữa thì chữ nghĩa sạch sẽ, rõ ràng, đẹp hơn, đó là đã tiến bộ.

Nhưng để theo được phương pháp này, nó rất gian nan, có những nước phải làm vài chục năm cũng chưa chắc đã thay đổi được. Ví dụ như Australia, họ đến nay đã đánh giá sự tiến bộ của học trò dựa trên chính sự tiến bộ của trò đó chứ không phải so với trò khác. So với người khác là một điều rất khó vì em này có năng khiếu có khả năng về âm nhạc, em khác lại giỏi về toán học hoặc văn học…

Tại sao Australia họ thành công, là bởi một lớp học chỉ có chừng tối đa 15, 20 học sinh thôi. Số lượng này giúp cho thày cô giáo theo dõi được sát bước tiến của từng em một. Hơn nữa phụ huynh người ta cũng hiểu, con mình có năng khiếu ở môn này, yếu ở môn khác, đó là chuyện bình thường. Ở ta thì các phụ huynh có khi cũng không thoải mái với việc con mình kém hơn con người khác.

Ở các cấp học của nước ta thì một giáo viên có khi phải dạy học, phải quản lý khoảng 40, 50 học trò thì làm sao còn sức để đánh giá được. Rất nhiều năm qua, giáo dục của chúng ta đang ở trong tình huống muốn mà không làm được chứ không phải không nhận thức ra.

Hiện nay, việc bỏ cái chấm điểm ở bậc tiểu học, chính là một trong những biện pháp bước đầu ta đang thực hiện để hướng tới cái đánh giá học trò một cách chuẩn xác hơn.

PV: Vậy SGK mới có giúp việc đánh giá học sinh chính xác hơn không thưa Phó giáo sư?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Nó sẽ khó hơn đấy. Trước đây để đánh giá học sinh thì chỉ cần biết trò đó nhớ được cái công thức này, đoạn văn kia, thì có thể đã đủ điều kiện lên lớp chẳng hạn. Nhưng bây giờ lại đánh giá năng lực, vì anh có kiến thức và kĩ năng, anh phải vận dụng để giải quyết vấn đề nào đó, chứ không chỉ nhớ cái công thức…

Tuy nhiên cũng phải nói thật, việc đánh giá học sinh còn nhiều khó khăn, không khỏi lúng túng. Hiện để đánh giá được phẩm chất và năng lực học sinh chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tìm đường thôi.

Nói ngay từ bản thân tôi, là người làm chương trình đổi mới giáo dục, rồi viết sách giáo khoa, rồi tập huấn phương pháp dạy học cho các thày cô giáo… nhưng đến khâu hướng dẫn các thày cô cách đánh giá học trò thì chính tôi cũng thấy chưa thỏa mãn về cách đánh giá ấy.

Các nước khác thì cái khâu đánh giá học sinh cũng là khâu khó khăn nhất. Họ cũng gặp vấn đề chứ không phải cứ làm “ngon lành” ngay đâu. 16 năm qua tôi đưa học trò đi thi học sinh giỏi quốc tế, tức là 16 năm tham gia công tác đánh giá học sinh ở tầm thế giới cho giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên ở các cuộc thi như vậy thì năm nay đánh giá một kiểu, năm sau họ lại thấy chưa ổn lại thay đổi, nó luôn luôn có sự thay đổi qua từng năm. Vậy thì mình nghĩ rằng, ngay ở thế giới nó cũng không có một hình mẫu nào lý tưởng, mọi quốc gia đều phải vừa dạy vừa đổi mới cho phù hợp thôi. Đó là điều tất yếu.

PV: Chúng ta đã nhìn rõ được điểm yếu của giáo dục, việc đổi mới lần này liệu đã đi đúng hướng?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Đổi mới lần này, có thể nói nó nhắm đúng hai cái điểm yếu mà bị người ta đang chê ấy. Đó là sách giáo khoa nặng nề, việc thi cử đánh giá học sinh còn nhiều bất cập.

Với chương trình mới đưa ra, tôi cho là xã hội, người dân cũng đã ưng bước đầu rồi, vì chương trình nó nhẹ đi, theo đúng xu hướng của giáo dục thế giới chứ không còn quá nặng nề nữa. Còn cái việc đánh giá, thì cũng phải làm dần dần thôi, chúng ta đang trên đường chạy, chưa thấy ngay cái đích được nhưng tôi hết sức tin tưởng là chúng ta sẽ có thể làm tốt và đổi mới giáo dục sẽ thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Hoàng

Nguồn: https://baomoi.com/

GS Đỗ Đức Thái: Đổi mới giáo dục mà thi cử vẫn 'cũ' thì khó thành công!

14 Tháng Chín, 2020

'Chương trình mới không ép học tiếng Việt nhanh'

14 Tháng Chín, 2020