Bộ sách Cánh Diều gồm 9 cuốn (Tiếng Việt (2 tập), Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm), có giá 199.000 đồng.
Bộ sách Cánh diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Chiều 26/3, thay mặt Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư Xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam đã công bố giá bộ sách giáo khoa Cánh Diều (lớp 1), được phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021.
Bộ sách gồm 9 cuốn (Tiếng Việt (2 tập), Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm), có giá 199.000 đồng.
Giá trên đã bao gồm sách giáo khoa điện tử, nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục.
Sách giáo khoa điện tử tương tác qua trang website cloudbook.vn với hệ thống tài liệu giáo dục đa phương tiện như video, bài tập tương tác, bài giảng điện tử, hệ thống báo cáo đầy đủ kết quả học tập của từng học sinh, cho phép dạy-học trực tuyến một cách thuận tiện.
Cũng trong ngày 26/3, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thông tin về mức giá của 4 bộ sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện các bước theo quy định hiện hành của Luật Giá để xây dựng giá bán cho 4 bộ sách giáo khoa này.
Giá cụ thể của từng bộ sách như sau: Bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng; Bộ “Chân trời sáng tạo,” gồm 9 cuốn, giá 186.000 đồng; Bộ “Cùng học để phát triển năng lực”, gồm 10 cuốn, giá 194.000 đồng; Bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục,” gồm 9 cuốn, giá 189.000 đồng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bộ sách giáo khoa lớp 1 bao gồm 9 hoặc 10 cuốn (trong đó, sách giáo khoa Toán, Tiếng Việt gồm 2 tập), sử dụng cho 8 môn học bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất), nhiều hơn bộ sách giáo khoa hiện hành từ 3-4 cuốn.
Lý giải về việc tăng giá sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Khác với việc cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa, khi có nhiều bộ sách giáo khoa cùng được xuất bản như hiện nay, sản lượng phát hành của mỗi bộ sách giáo khoa sẽ giảm đi, các khoản chi phí tổ chức bản thảo được phân bổ theo sản lượng đó sẽ cao hơn so với sách giáo khoa hiện hành.
Bên cạnh đó, nhằm chuyển tải được những đổi mới về nội dung, hình thức sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực như việc tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung với hệ thống hình ảnh minh họa phong phú, hấp dẫn, sách giáo khoa mới lớp 1 được thực hiện in ấn công phu, với khổ sách lớn hơn (19×26,5cm). Chất lượng giấy, yêu cầu kỹ thuật in được nâng lên nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh, bảo vệ thị lực cho học sinh.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có nhiều Nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản trong môi trường cạnh tranh, vận hành theo cơ chế thị trường sẽ kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như chi phí tổ chức hội thảo giới thiệu sách tại các địa phương; chi phí tập huấn giáo viên; chi phí in và gửi sách mẫu tới các cơ sở giáo dục; chi phí truyền thông, quảng cáo…
Với sách giáo khoa mới, học sinh không chỉ học tập trên những cuốn sách in trên giấy như trước đây, còn được thực hành, trải nghiệm trên những cuốn sách điện tử, có điều kiện tương tác, trau dồi kiến thức, kỹ năng trên môi trường kỹ thuật số, giúp các em tiếp cận sâu hơn, vận dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống và học tập.
Bên cạnh sách giáo khoa, nhằm giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải thay đổi phương án sách giáo viên, xuất bản đồng thời sách in trên giấy và sách-học liệu điện tử, video các bài giảng minh họa…, giúp giáo viên tổ chức dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục thuận tiện, khoa học, hiệu quả hơn./.
Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn Vietnam +