CÔNG TY VEPIC LÀM VIỆC VỚI UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI: HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG KHO TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TOÀN CẦU

 

Hà Nội – Sáng ngày 22/5/2025, tại Văn phòng Công ty VEPIC, đã diễn ra buổi làm việc giữa Công ty CP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), đại diện các đơn vị liên kết xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Tham dự buổi làm việc, về phía công ty VEPIC có: Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên bộ sách giáo khoa Cánh Diều; Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty VEPIC; các thành viên trong Ban Tổng Giám đốc Công ty và Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục số Cánh Diều Vàng. Phía Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ nhiệm Uỷ ban; bà Nguyễn Lê Hồng Minh – Chuyên viên Phòng Văn hoá – Tiếng Việt, Vụ Thông tin – Văn hóa.

Ảnh: Công ty VEPIC làm việc với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao)

Tại buổi gặp gỡ, NGƯT Ngô Trần Ái đã giới thiệu tổng quan về quá trình hình thành và phát triển của Công ty VEPIC cũng như sự hình thành và ý nghĩa của bộ sách giáo khoa Cánh Diều – bộ sách đầu tiên tại Việt Nam được biên soạn theo chủ trương xã hội hoá, mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Bộ sách giáo khoa Cánh Diều ra đời hướng đến mục tiêu cùng xây dựng nguồn học liệu chất lượng, phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho học sinh Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiếng Việt và văn hoá Việt đối với cộng đồng hơn 6 triệu người Việt đang sinh sống trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, ông cũng bày tỏ quan điểm: “Bộ sách giáo khoa Cánh Diều ra đời không chỉ đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng mà đã giúp xoá bỏ cơ chế độc quyền sách giáo khoa tồn tại hơn 60 năm. Cùng với sự phát triển chung, người Việt Nam ở nước ngoài đã bước sang thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư. Việc duy trì, phát triển văn hoá dân tộc – trong đó có tiếng Việt, là sứ mệnh quan trọng và bền bỉ. Vì thế nguồn tài liệu, học liệu, sách văn hoá lịch sử dân tộc đóng một vai trò vô cùng quan trọng để thực hiện sứ mệnh này”.

Ông Kiên cho biết, hằng năm, Uỷ ban đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như chương trình “Xuân Quê hương”, “Trại hè Việt Nam”, các lễ hội nhân dịp Quốc khánh, Tết cổ truyền, các khoá bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho kiều bào… Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thư viện, kho học liệu về văn hoá, lịch sử, địa lí, truyện kể, tài liệu kĩ năng để làm giàu “Tủ sách Việt” dành cho cộng đồng người Việt xa Tổ quốc. Trong khuôn khổ buổi làm việc, Uỷ ban cũng mong muốn ngoài các sản phẩm bản cứng, theo nhu cầu hội nhập, sẽ có các sản phẩm số hoá phù hợp với điều kiện, nhu cầu của kiều bào như: Phát triển sách học tiếng Việt cho trẻ em Việt ở nước ngoài theo hướng đơn giản, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; Tạo hệ sinh thái học tập trực tuyến thân thiện, dễ tiếp cận và có tính tương tác cao; Đóng góp vào kho học liệu phục vụ các sự kiện đối ngoại, tặng phẩm cho kiều bào.

Cùng chia sẻ, trao đổi tại buổi gặp GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: cần phân biệt rõ sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và sách dành cho trẻ em người Việt xa quê; bên cạnh sách học, cần phát triển các tài liệu bổ trợ như sách âm nhạc, nghệ thuật, kĩ năng sống – vốn rất cần thiết trong môi trường học tập xa quê hương. Đồng thời, Giáo sư cũng đặt vấn đề phát triển các khoá học trực tuyến, chương trình đào tạo giáo viên từ xa dành riêng cho cộng đồng kiều bào. Giáo sư nhấn mạnh: “Muốn giữ gìn tiếng Việt, điều quan trọng nhất là phải nuôi dưỡng nó ngay trong gia đình qua hình thức trò chuyện giao tiếp – gia đình là nơi ngôn ngữ và truyền thống được truyền lại qua từng thế hệ.”.

Ảnh: Các chuyên gia, khách mời chụp ảnh lưu niệm

Về phía Công ty VEPIC, NGƯT Ngô Trần Ái nêu rõ quan điểm, quyết tâm tham gia vào hành trình gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt ở nước ngoài: “VEPIC sẵn sàng tham gia hợp tác, cùng nghiên cứu và phát triển các bộ sách dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài, cùng chung tay xây dựng một nền giáo dục đa chiều, hướng đến cộng đồng”.

Buổi làm việc khép lại trong không khí chân thành, cởi mở, với kì vọng về một lộ trình hợp tác bền vững giữa hai bên trong hành trình lan tỏa giá trị của tiếng Việt và văn hoá dân tộc trong cộng đồng người Việt toàn cầu, góp phần khẳng định bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế.

Ban Thông tin và Truyền thông VEPIC


Tin tức liên quan

PHÁT ĐỘNG CUỘC THI ẢNH ONLINE “TÔI VÀ SÁCH CÁNH DIỀU”

    Ngày 20/4/2025, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam phát...

Tri ân giáo viên sử dụng sách giáo khoa Cánh Diều và đạt giải trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học, THCS Thành phố Hà Nội năm học 2024–2025

Từ ngày 24/3 đến 10/4/2025, Công ty VEPIC, đại diện các đơn vị liên kết xuất bản bộ sách giáo...

Đại hội Công đoàn Công ty VEPIC lần thứ nhất, nhiệm kì 2025 – 2028

  Chiều ngày 26/02/2025, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC)...