(GDTĐ) – Việc sử dụng các nền tảng số hiện không còn xa lạ với con người. Vì lẽ đó, ngay từ nhỏ, học sinh đã được giáo dục về tin học và công nghệ trong trường học. Điều này thể hiện rõ trong sách giáo khoa (SGK) Tin học lớp 5 bộ Cánh Diều
SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều sẽ được đưa vào giảng dạy vào năm học 2024-2025. Để khái quát những nội dung được giảng dạy trong sách, PV đã có cuộc trao đổi với NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Chủ biên SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều.
PV: Thưa NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, xin ông cho biết về đội ngũ biên soạn SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều?
NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy: Đầu tiên, tôi muốn chia sẻ về thông tin chung về SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều. Đây là sách do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (Hà Nội) phối hợp với Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) thực hiện.
Về đội ngũ biên soạn sách, chúng tôi là những nhà giáo, chuyên gia trong giáo dục tin học thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông gồm: Tổng Chủ biên là NGND.PGS.TS Hồ Sĩ Đàm; Chủ biên là tôi – NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy; các tác giả: NGƯT.PGS.TS Hồ Cẩm Hà, TS Nguyễn Chí Trung, TS Đỗ Thị Bích Ngọc và ThS Nguyễn Thị Hồng.
Trong đó, có những người từng tham gia Tiểu ban phát triển Chương trình môn Tin học trong Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với vai trò thành viên chủ chốt; biên soạn bộ SGK môn Tin học với vai trò Tổng Chủ biên, Chủ biên và tác giả; xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học trình độ cử nhân Sư phạm Tin học; biên soạn bộ sách “Hướng dẫn dạy học Tin học theo Chương trình môn Tin học 2018” ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với vai trò Tổng Chủ biên, Chủ biên và tác giả,…
Như vậy, có thể thấy, tập thể tác giả viết SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều đều là những thành viên giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục tin học.
PV: Cấu trúc, nội dung của sách được thể hiện như thế nào, thưa thầy?
NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy: Mỗi chủ đề gồm các bài học, có thể gồm một số chủ đề con trong đó có các bài học. Các chủ đề con và bài học đều được đánh số thứ tự bắt đầu từ 1. Việc này giúp giáo viên có thể linh hoạt thay đổi thứ tự các chủ đề, hoặc thứ tự các bài học trong một chủ đề, sao cho phù hợp với kế hoạch triển khai dạy học của nhà trường, miễn là đảm bảo tính logic quan hệ giữa nội dung các bài học.
Nội dung bài học được tổ chức theo cấu trúc phù hợp với quá trình nhận thức của học sinh, gồm các mục sau đây: Mục tiêu được nêu ở ngay sau tên bài học với đoạn văn “Học xong bài này, em sẽ…”; Khởi động là một câu hỏi hoặc một bài tập nhỏ nhưng thể hiện được bản chất vấn đề cần được giải quyết bởi kiến thức của bài học; Kiến thức mới được chia thành một số mục, mỗi mục hình thành cho học sinh một đơn vị kiến thức nhỏ của bài học; Luyện tập có mục đích củng cố kiến thức mới, rèn luyện kiến thức và kĩ năng vừa hình thành bằng cách áp dụng trực tiếp hoặc làm tương tự những gì vừa tiếp thu; Vận dụng giúp chuyển hoá kiến thức kĩ năng mới thành của mình thông qua giải quyết một vấn đề thực tiễn trong học tập, cuộc sống; Ghi nhớ gồm các câu, đoạn văn súc tích, cô đọng giúp học sinh nhớ kiến thức mới của bài học.
PV: Mục tiêu SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều đặt ra trong quá trình biên soạn là gì?
NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy: Trong quá trình biên soạn sách, mục tiêu quan trọng nhất phải Hình thành và phát triển năng lực tin học, góp phần phát triển năm phẩm chất và ba năng lực chung được xác định trong Chương trình GDPT 2018. Năng lực Tin học, được hình thành và phát triển xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 12, gồm năm thành phần sau đây: Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông, Ứng xử phù hợp trong môi trường số, Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học, Hợp tác trong môi trường số.
Môn học sẽ cung cấp Cung cấp ba mạch kiến thức Học vấn số hoá phổ thông (DL), Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Khoa học máy tính (CS) thông qua 6 chủ đề được đánh chữ từ A đến F gồm: Máy tính và em; Mạng máy tính và Internet; Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số; Ứng dụng tin học, Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính. Năm thành phần năng lực tin học, ba mạch kiến thức và sáu chủ đề nội dung xuyên suốt có mối quan hệ biện chứng, lô gích tương hỗ.
Đối với học sinh, các em cần chiếm lĩnh tri thức, tìm tòi và vận dụng tri thức theo yêu cầu cần đạt. Sách cũng khuyến khích các em có thể tự học. Khi biên soạn các tác giả luôn tuân thủ các định hướng chủ đạo: giảm tải, giảm số trang, phù hợp với tâm lí lứa tuổi và thời lượng bài học.
Đối với giáo viên, đây là tài liệu chính giúp các thầy cô định hướng, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện dạy học và công cụ đánh giá kết quả học tập của học sinh; hỗ trợ giáo viên có ý tưởng sư phạm trong soạn giáo án, tổ chức dạy học; Chương trình môn Tin học 5 hoàn toàn mới, nên giáo viên có thể gặp ít nhiều khó khăn khi tổ chức giảng dạy. Do đó, SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều được biên soạn theo định hướng giảm thiểu khó khăn cho người dạy.
SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều là tài liệu giúp cán bộ quản lí, phụ huynh nắm vững đúng mức yêu cầu cần đạt để hỗ trợ con em mình tự học ở nhà, tránh đòi hỏi vượt chuẩn đối với học sinh.
PV: Thưa thầy, học sinh sẽ có được những nội dung, kiến thức gì khi học SGK Tin học lớp 5 bộ Cánh Diều?
NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy: SGK Tin học Cánh Diều hướng tới mục đích giúp học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn, giúp trả lời câu hỏi “Học xong, học sinh làm được những gì?”
Tất cả sáu chủ đề trong Tin học 5 giúp hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm một cách hiệu quả cho học sinh. Các chủ đề “Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số”, “Ứng dụng tin học” tạo ra các hoạt động, tình huống giúp học sinh bộc lộ được các phẩm chất qua ứng xử trong môi trường số.
Nội dung và các yêu cầu cần đạt ở sáu chủ đề trong Chương trình Tin học 5 giúp hình thành và phát triển trực tiếp ba thành phần của năng lực tin học: (NLd) “Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học”; (NLe) “Hợp tác trong môi trường số” và (NLc) “Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông”. Ba thành phần của năng lực tin học này góp phần cụ thể, trực tiếp trong phát triển ba năng lực chung “tự chủ và tự học”, “giao tiếp và hợp tác”, “giải quyết vấn đề và sáng tạo”.
Ngoài ra, sách có các hoạt động tích cực, trò chơi giúp học sinh thu nhận được kiến thức và chuyển hoá thành hiểu biết của mình, vận dụng được kiến thức vào các tình huống thực tiễn. SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều thiết kế các hoạt động, trò chơi cho mỗi bài học.
PV: Được biết, SGK hiện nay đều có tính phân hóa để phù hợp hơn với việc tiếp nhận kiến thức của học sinh. Điều đó được thể hiện như thế nào trong SGK Tin học 5 bộ Cánh Diều?
NGƯT.GS.TS Nguyễn Thanh Thủy: Vấn đề này được chúng tôi đặt trong phần “Tiếp cận đối tượng”. Sách đặt mục đích đảm bảo tính phù hợp của sách với đối tượng học sinh, đồng thời thực hiện được dạy học phân hoá.
Trong đó, tận dụng những trải nghiệm học sinh đã có trong cuộc sống để xây dựng kiến thức mới, hình thành kĩ năng mới cho các em; coi trọng sự phù hợp về tâm lí lứa tuổi, các ví dụ, các tình huống, các minh hoạ đến từ đời sống gần gũi với các em, gắn kết với các môn học khác; thực hiện dạy học phân hoá để phát triển được năng lực của mọi học sinh. Thông tin được trình bày ở nhiều hình thức khác nhau trong các bài học.
Bài luyện tập cũng được cân nhắc cho phù hợp với yêu cầu dạy học cho đối tượng đa dạng và phổ cập, cụ thể khi có hai bài luyện tập thì bài đầu tiên là bài đơn giản, còn bài luyện tập thứ hai khó hơn một chút.
Xin cám ơn những chia sẻ của thầy!
SGK Cánh Diều là bộ SGK đầu tiên, gồm đầy đủ các môn học/hoạt động giáo dục được biên soạn, xuất bản theo chủ trương xã hội hóa, không sử dụng vốn nhà nước. Sách được Công ty VEPIC tổ chức biên soạn và liên kết với các nhà xuất bản: NXB Đại học Sư phạm (Hà Nội), NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, NXB Đại học Huế với triết lí “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”.
Bộ SGK Cánh Diều sử dụng giấy chất lượng cao, bột giấy không chứa clo; giấy có độ trắng tiêu chuẩn, bề mặt mịn tự nhiên, độ nhẵn cao cho chất lượng hình ảnh hoàn hảo, màu sắc trung thực. Bên cạnh SGK giấy, Công ty VEPIC hỗ trợ giáo viên sử dụng sách mềm và học liệu điện tử và nhiều tài liệu hỗ trợ trong quá trình giảng dạy khác trên website hoc10.vn.
Nguồn: https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/sach-giao-khoa-tin-hoc-lop-5-bo-canh-dieu-day-hoc-sinh-ung-xu-trach-nhiem-van-hoa-tren-moi-truong-so-133892.html