SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Cánh Diều: Giúp học sinh phát triển hài hoà về phẩm chất và năng lực âm nhạc

(GDTĐ) – Năm học 2024-2025, sách giáo khoa môn Âm nhạc theo Chương trình GDPT năm 2018 chính thức đi vào giảng dạy trên toàn quốc, trong đó có sách Cánh Diều. Cuốn sách có những đặc điểm gì trong giảng dạy, giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc.

Ths Lê Anh Tuấn, Tổng Chủ biên SGK môn Âm nhạc lớp 5 Bộ Cánh Diều cho biết: “Chủ đề sách giáo khoa Âm nhạc được thiết kế đảm bảo tính đa dạng và phù hợp độ tuổi học sinh, góp phần hình thành và phát triển cho các em những phẩm chất tốt đẹp. Tên 8 chủ đề là: Niềm vui, Mùa thu, Tuổi thơ, Loài vật em yêu, Thiên nhiên, Gia đình, Quê hương, Tạm biệt mái trường”.

Theo đó, sách được biên soạn cho thời lượng dạy học là 35 tiết trong một năm; sách có 8 chủ đề, mỗi học kì có 4 chủ đề và mỗi chủ đề được dạy học trong 4 tiết. Cấu trúc mỗi chủ đề đều có các phần: Mở đầu, Kiến thức mới, Luyện tập và Vận dụng.

Mỗi chủ đề có 4 trong 6 nội dung là: Hát, Nghe nhạc, Đọc nhạc, Nhạc cụ, Lí thuyết âm nhạc và Thường thức âm nhạc. Với cấu trúc như vậy, cuốn sách sẽ giúp học sinh thường xuyên được luyện tập những kĩ năng thực hành để phát triển năng lực âm nhạc.

Bìa 1 SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Cánh Diều với hình minh họa đẹp mắt.
Bìa 1 SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Cánh Diều với hình minh họa đẹp mắt.

Tập trung vào nội dung lẫn hình thức

Cũng theo Ths Lê Anh Tuấn, những tác giả viết SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Cánh Diều đều là những nghiên cứu viên, giảng viên có kinh nghiệm lâu năm, công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2,… Nội dung của sách thể hiện đầy đủ các mạch kiến thức theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Âm nhạc lớp 5, đảm bảo tính cơ bản, khoa học, thiết thực và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Nội dung Hát là trục chính trong các chủ đề, là bối cảnh để tổ chức một số hoạt động âm nhạc như gõ đệm, vận động, trải nghiệm, sáng tạo… Vì vậy, 8 chủ đề đều được mở đầu bằng nội dung hát, sau đó mới đến các nội dung khác.

SGK Âm nhạc 5 có hai bài dân ca Việt Nam là Chim bay (Theo điệu Lí thương nhau, dân ca Trung Bộ), Mưa rơi (Dân ca Xá, Tây Bắc), có hai bài hát nước ngoài là Ánh trăng vàng (Nhạc: Trung Quốc), Lá phong (Nhạc: Nhật Bản), có bốn bài hát tuổi học sinh là Niềm vui của em (Nhạc và lời: Nguyễn Huy Hùng), Khăn quàng thắp sáng bình minh (Nhạc và lời: Trịnh Công Sơn), Cho con (Nhạc: Phạm Trọng Cầu; Lời thơ: Tuấn Dũng), Em vẫn nhớ trường xưa (Nhạc và lời: Thanh Sơn).

Nội dung Nghe nhạc, sách chọn một số bản nhạc không lời và có lời phù hợp với độ tuổi học sinh, trong đó có những bản nhạc nước ngoài; Nội dung Đọc nhạc, sách xây dựng 4 bài đọc nhạc có giai điệu đẹp, ngắn gọn, sử dụng đầy đủ 7 âm của giọng Đô trưởng; Nội dung Nhạc cụ, sách thiết kế những bài tập nhạc cụ thể hiện tiết tấu và nhạc cụ thể hiện giai điệu. Sách xây dựng song song 2 hệ thống bài tập giai điệu, để học sinh chọn một trong hai nhạc cụ: sáo ri-coóc-đơ (recorder) hoặc kèn phím.

Điểm nổi bật ở SGK Âm nhạc Cánh Diều cấp tiểu học là học sinh có thể trình bày nối tiếp 2 bài tập ri-coóc-đơ hoặc 2 bài tập kèn phím thành một giai điệu hoàn chỉnh, giúp các em nâng cao năng lực cảm thụ và kĩ năng chơi nhạc cụ.

Nội dung Thường thức âm nhạc gồm tìm hiểu về một nhạc cụ của Việt Nam là đàn nguyệt, tìm hiểu một nhạc cụ nước ngoài là đàn xen-lô; nghe một câu chuyện âm nhạc là “Khúc nhạc dưới trăng”.

Sách kế thừa được những ưu điểm của SGK Âm nhạc năm 2006. Trong ảnh là câu chuyện “Khúc nhạc dưới trăng” trong sách cũ được tiếp tục sử dụng trong sách mới.
Sách kế thừa được những ưu điểm của SGK Âm nhạc năm 2006. Trong ảnh là câu chuyện “Khúc nhạc dưới trăng” trong sách cũ được tiếp tục sử dụng trong sách mới.

Như vậy, nội dung của sách đảm bảo sự hài hoà giữa những nội dung của Việt Nam và nước ngoài, vừa có sự kế thừa, vừa có sự đổi mới, đảm bảo tính phù hợp, khả thi, giúp học sinh phát triển được năng lực âm nhạc và những phẩm chất tốt đẹp.

Quá trình thiết kế sách được chăm chút, nhằm đảm bảo sách có hình thức đẹp, sinh động tạo điều kiện trong dạy và học. Bản nhạc, kênh hình và kênh chữ của sách đảm bảo sự hài hoà và cân đối. Hình vẽ không chỉ để minh hoạ mà còn hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh, tăng cường khả năng tương tác và tự học. Hình vẽ trong sách có tính thẩm mĩ cao, rất gần gũi với thiên nhiên và có những khung cảnh ở thành phố, nông thôn, miền núi. Một số hình vẽ còn thể hiện các bạn nhỏ trong những trang phục đặc trưng ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Phương pháp học tích cực theo hướng mở

Nói về quá trình viết sách, giảng viên Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Đại học Sư phạm Hà Nội 2), tác giả SGK lớp 5 bộ Cánh Diều cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều để đưa ra được thiết kế và phương pháp giảng dạy của sách mới. Trong đó, sách cần phải được thiết kế đa dạng hoá hoạt động học tập, lựa chọn các hoạt động phù hợp với sở thích và nhận thức của học sinh tiểu học. Vì vậy, chúng tôi đã cho vào các hoạt động như trò chơi, nghe kể chuyện, vận động tích cực vào quyển sách”.

Nhóm tác giả viết SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Cánh Diều.
Nhóm tác giả viết SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Cánh Diều.

Sách chú trọng những hoạt động âm nhạc đặc thù như thực hành, luyện tập, cảm thụ, ứng dụng và sáng tạo,… đồng thời vận dụng những phương pháp dạy học phù hợp với xu thế giáo dục của các nước tiên tiến như: nghe nhạc kết hợp vận động; thể hiện tiết tấu bằng động tác cơ thể, luyện tập và biểu diễn nhạc cụ… để học sinh được học âm nhạc với sự phong phú về nội dung và hình thức.

Một yếu tố quan trọng khác là sách cần được thực hiện theo triết lý “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”. Do đó, SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Cánh Diều đã thiết kế những trải nghiệm, hoạt động gần gũi với đời sống, thông qua những bài tập rất thú vị và sinh động như: Nghe âm sắc đoán tên nhạc cụ; Đặt lời cho bài đọc nhạc theo nhóm; Dùng cốc thuỷ tinh làm nhạc cụ; Sáng tạo và thể hiện động tác vận động phụ hoạ cho bài hát; Khám phá bức tranh và kể tên những nhạc cụ; Vẽ những hình ảnh yêu thích trong bài hát;…

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật phục vụ đời sống, vì lẽ đó, trong cuốn SGK Âm nhạc 5, chúng tôi hi vọng sẽ mang đến thật nhiều niềm vui và hạnh phúc cho giáo viên và học trò trong mỗi tiết học”, cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai bày tỏ.

Nguồn: https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/sgk-am-nhac-lop-5-bo-canh-dieu-giup-hoc-sinh-phat-trien-hai-hoa-ve-pham-chat-va-nang-luc-am-nhac-132662.html


Tin tức liên quan

Khai giảng năm học mới tại trường Tiểu học Thăng Long, Hà Nội

Sáng ngày 5/9/2024, tại Trường Tiểu học Thăng Long đã diễn ra buổi lễ khai giảng năm học mới 2023...

“Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc dạy – học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh 12”

  Thực hiện Kế hoạch số 754/KH-BGDĐT ngày 18/6/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 05/8/2024, 32 Sở Giáo dục...

Giáo viên tích cực tham gia tập huấn về nội dung ôn thi tốt nghiệp năm 2025

GDVN – Qua tập huấn do Sở GD&ĐT Ninh Bình phối hợp với VEPIC tổ chức, GV được tiếp cận với thông...